Đây là thắng lợi lịch sử to lớn của dân tộc Việt Nam, minh chứng hùng hồn cho sức mạnh của dân tộc Việt Nam, đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện của chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh.

Quyết định lịch sử
Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954, không chỉ làm sụp đổ hoàn toàn cứ điểm quân sự mạnh nhất của thực dân Pháp ở Đông Dương, mà còn buộc Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Genève, ký kết hiệp định rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam, chấm dứt chiến tranh xâm lược. Để làm nên chiến công ấy là cả một quá trình kháng chiến gian khổ, trong đó yếu tố then chốt là sự đúng đắn của đường lối chiến tranh nhân dân do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra cùng việc tổ chức thực hiện kiên quyết, linh hoạt, sáng tạo.
Bài học lịch sử vẫn còn nguyên giá trị
71 năm đã trôi qua nhưng những bài học lớn lao của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn mang tính thời sự, tiếp tục được vận dụng và phát triển trong tình hình mới.
Trước hết, đó là bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh. Trong bối cảnh đất nước đang đứng trước nhiều thách thức đan xen cả truyền thống lẫn phi truyền thống – từ các mưu đồ xâm phạm chủ quyền biển đảo, không gian mạng, cho đến tác động của các chiến lược “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng trở nên cấp thiết.
Thứ hai, bài học về tư duy độc lập, sáng tạo, dám quyết, dám chịu trách nhiệm từ Điện Biên Phủ vẫn là kim chỉ nam cho cán bộ, chiến sĩ trong mọi lĩnh vực công tác. Trước những biến động khó lường của tình hình thế giới, cán bộ các cấp cần phải bản lĩnh, linh hoạt, có khả năng phân tích, nhận diện đúng đắn tình hình, không chủ quan cũng không bi quan, để từ đó đưa ra những quyết sách đúng lúc, đúng tầm.
Thứ ba, bài học về củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, về sự gắn bó máu thịt giữa Đảng – Quân đội – nhân dân chính là yếu tố quyết định sự ổn định chính trị và phát triển đất nước. Chỉ khi nào người dân đặt niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, lúc ấy mọi âm mưu phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ không thể tồn tại. Do đó, việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, nhất là trong thế hệ trẻ, là nhiệm vụ lâu dài và cấp thiết.
Cuối cùng, tinh thần “tự lực, tự cường” từ Điện Biên Phủ cần được phát huy mạnh mẽ trong thời đại hội nhập. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam cần mở rộng hợp tác quốc tế nhưng đồng thời phải không phụ thuộc, không đánh mất bản sắc, chủ động hội nhập có chọn lọc. Đó cũng chính là cách để giữ gìn độc lập, chủ quyền, phát triển đất nước bền vững…