An toàn và tránh được các rủi ro như mất cắp, tiền rách, tiền giả. Chuyển tiền nhanh chóng, chính xác số tiền cần thanh toán. Không cần kiểm đếm, dễ dàng quản lý chi tiêu cá nhân. Thanh toán hàng hóa, dịch vụ mọi lúc, mọi nơi. Đi nước ngoài không cần mang theo ngoại tệ….Đó là những lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong xã hội ngày, việc tiêu tiền mặt đã nảy sinh nhiều bất cập như: Bất tiện khi giao dịch với số lượng lớn, độ an toàn không cao cũng như bảo quản khó khăn. Chính vì vậy, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, đã thúc đẩy việc mở rộng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt với nhiều lợi ích đối với xã hội và các bên tham gia.
Đối với các bên tham gia, việc thanh toán không dùng tiền mặt mang lại các lợi ích như sau:
– Việc thanh toán không dùng tiền mặt an toàn và tránh được các rủi ro như mất cắp, tiền rách, tiền giả
– Chuyển tiền nhanh chóng, chính xác số tiền cần thanh toán. Không cần kiểm đếm, dễ dàng quản lý chi tiêu cá nhân. Thanh toán hàng hóa, dịch vụ mọi lúc, mọi nơi.
– Đi nước ngoài không cần mang theo ngoại tệ.
– Đặc biệt, với các chính sách khuyến khích người dân sử dụng các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt, người dùng còn có thể nhận được nhiều ưu đãi như mua hàng trả góp không phần trăm, vay chi tiêu chậm trả lãi, được hưởng khuyến mại, giảm giá từ người bán, ngân hàng và các đơn vị cung cấp dịch vụ.
– Bên cạnh đó, việc thanh toán không dùng tiền mặt còn đem lại nhiều lợi ích to lớn đối với xã hội và việc phát triển kinh tế đất nước. Giảm chi phí in ấn tiền, chi phí vận chuyển, kiểm đếm và bảo quản tiền. Hạn chế được lượng tiền mặt lưu thông, giúp giảm thiểu lạm phát, ổn định nền kinh tế quốc dân. Thu hút nhiều hơn các khoản tiền nhàn rỗi trong xã hội, tăng nguồn vốn đầu tư, mở rộng sản xuất.
– Tăng cường hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tội phạm kinh tế. Tham gia cải cách hành chính nhà nước, xây dựng chính phủ điện tử. Góp phần đa dạng hóa các dịch vụ ngân hàng. Đáp ứng được các nhu cầu ngày càng cao của xã hội trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Để có thể tham gia thanh toán không dùng tiền mặt, chúng ta chỉ cần thực hiện 2 bước đơn giản như sau:
– Bước 1: Đến ngay ngân hàng gần nhất để được tư vấn mở tài khoản, làm thẻ và đăng ký thanh toán trực tuyến qua mạng.
– Bước 2: Dùng điện thoại, tải ứng ụng ví điện tử, đăng ký và kết nối tài khoản ngân hàng.
Sau đó, bạn có thể thực hiện thanh toán hầu hết tất cả các dịch vụ mà không cần đến tiền mặt như nhận tiền, chuyển tiền, đóng học phí, thanh toán viện phí, đóng tiền điện, tiền nước, thanh toán phí truyền hình, internet, phí dịch vụ chung cư. Nạp tiền điện thoại, thanh toán cước taxi, xe ôm. Mua vé máy bay, tàu hỏa, xe khách. Thanh toán hóa đơn mua hàng tại các quán ăn, trung tâm mua sắm, siêu thị, các cửa hàng tiện lợi, khu vui chơi giải trí. Mua hàng và thanh toán tại các chợ trực tuyến, mua vé xem phim, đóng phí bảo hiểm, thanh toán vay tiêu dùng và rất nhiều dịch vụ khác theo nhu cầu của người tiêu dùng.
Đối với những người không có tài khoản ngân hàng, không có điện thoại thông minh, chỉ có điện thoại đơn giản để nghe và gọi vẫn có thể thực hiện thanh toán các dịch vụ tiện ích mà không cần dùng tiền mặt. Khách hàng có thể thao tác trên bàn phím điện thoại bấm số *9191# để được thanh toán các dịch vụ phổ cập có trên ứng dụng Mobi money.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, khi thanh toán không dùng tiền mặt, chúng ta cần lưu ý một số điều sau:
– Không để lộ lọt thông tin cá nhân, thông tin in trên thẻ.
– Tuyệt đối không cung cấp mật khẩu cho bất kỳ một aiThông báo và yêu cầu ngân hàng khóa tài khoản khi phát hiện thẻ ngân hàng hoặc thiết bị di động có kết nối tài khoản bị thất lạc. Hoặc thông tin cá nhân liên quan đến tài khoản nghi ngờ bị lộ.
Thanh toán không dùng tiền mặt hay còn gọi là thanh toán điện tử để hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong thời đại 4.0 và là xu hướng phát triển tất yếu của thế giới.
Chính phủ và Bộ Thông tin và truyền thông cũng đã ban hành những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc thanh toán không dùng tiền mặt như sau:
Ngày 22/11/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về việc thanh toán không dùng tiền mặt. Nghị định quy định về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm: mở và sử dụng tài khoản thanh toán; dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; dịch vụ trung gian thanh toán; tổ chức, quản lý và giám sát các hệ thống thanh toán.
Ngày 28/10/2021, Chính phủ ban hành Quyết định số 1813/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025 với mục tiêu tổng quát:
– Tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.
– Ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của CMCN 4.0 để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả của tổ chức, cá nhân.
– Đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng và hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, minh bạch hoá các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm kinh tế, phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Ngày 04/3/2022, Bộ Thông tin và truyền thông ban hành Công văn số: 781/BTTTT-QLDN về việc thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế với mục tiêu:
– Thúc đẩy các trường học, cơ sở giáo dục và đào tạo tiên phong áp dụng công nghệ số, nền tảng số, triển khai chuyển đổi số, thanh toán số, tạo môi trường hình thành thế hệ công dân số và doanh nhân số cho tương lai.
– Thúc đẩy các bệnh viện, cơ sở y tế sử dụng nền tảng số, thực hiện chuyển đổi số, thanh toán số, tạo môi trường y tế số văn minh, thuận lợi, an toàn, bảo vệ tốt nhất sức khoẻ của người dân